Đề xuất công nhận TP Thủ Đức là đô thị loại 1

UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ công nhận kết quả đánh giá TP Thủ Đức là đô thị loại I để làm cơ sở lập đề án lập thành phố này.

Nội dung này được chính quyền TP HCM đề cập trong tờ trình vừa gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ. Sau khi hoàn thành việc rà soát, đánh giá khu vực dự kiến lập TP Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I.

Theo UBND thành phố, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Đây sẽ là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy phát triển của thành phố và vùng Đông Nam Bộ. Dự kiến khu vực này sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Khu vực dự kiến thành lập TP Thủ Đức cũng có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu; là đấu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ

TP Thủ Đức sau thành lập có diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
TP Thủ Đức sau thành lập có diện tích hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,5 triệu người. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Dựa vào 5 tiêu chí của Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, khu vực dự kiến thành lập TP Thủ Đức đạt các tiêu chí như sau: vị trí chức năng, vai trò cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội đạt 20/20 điểm; quy mô dân số đạt 6,69/8 điểm; mật độ dân số đạt 5,98/6 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/6 điểm; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 48,51/60 điểm.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, khu vực dự kiến lập TP Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại I.

Theo UBND thành phố, sau khi đề án thành lập TP Thủ Đức được cơ quan thẩm quyền thông qua và TP HCM có đầy đủ căn cứ pháp lý về quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, UBND TP HCM sẽ lập đề án đánh giá phân loại đô thị theo quy định.

Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 4/11, Bộ Xây dựng nhất trí với đề xuất của TP HCM. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo TP HCM sớm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch theo Luật Quy hoạch để hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch và phân loại đô thị.

Đô thị loại I, trong cách phân loại đô thị ở Việt Nam là đô thị giữ vai trò trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng lãnh thổ liên tỉnh. Ngoài 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Việt Nam hiện có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị loại I là: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

19 thành phố trực thuộc tỉnh là đô thị loại I, gồm: Thái Nguyên (Thái Nguyên), Nam Định (Nam Định), Việt Trì (Phú Thọ), Hạ Long (Quảng Ninh), Bắc Ninh (Bắc Ninh), Hải Dương (Hải Dương), Thanh Hóa (Thanh Hoá), Vinh (Nghệ An), Huế (Thừa Thiên – Huế), Nha Trang (Khánh Hoà), Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Pleiku (Gia Lai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang).

5 tiêu chí xác định thành phố là đô thị loại I gồm: vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của một vùng gồm nhiều tỉnh hoặc cả nước.

Quy mô dân số từ 1.000.000 người trở lên, khu vực nội thành từ 500.000 người trở lên đối với thành phố trực thuộc Trung ương và từ 500.000 người trở lên, khu vực nội thành đạt từ 200.000 người trở lên đối với thành phố thuộc tỉnh hoặc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Mật độ dân số từ 2.000 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 10.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 85% trở lên…

Hữu Công